“Dọc miền Trung, đi đến đâu cũng thấy đất nước mình thay da đổi thịt. Phú Yên bây giờ khác trước nhiều lắm, không chỉ có núi cao, biển rộng, mà còn có nhiều điều độc đáo gọi mời…”
Bước chuyển mình mạnh mẽ sau 30 năm thăng trầm
Ngày 26/09/2019, tỉnh Phú Yên đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Phú Yên (1/7/1989 – 1/7/2019). Quãng thời gian 30 năm ghi dấu nhiều đổi mới; nhưng nếu ví Phú Yên như “nàng công chúa đang ngủ quên”, thì “nàng công chúa” ấy mới thực sự được đánh thức trong năm 2019.
Sự lột xác về hạ tầng giao thông
“Trở lại Phú Yên lần này, tôi nhận thấy sự thay đổi nhanh chóng và khác biệt rất xa so với cách đây chỉ vài năm. Cảng hàng không Tuy Hòa được cải tạo nâng cấp; hạ tầng giao thông nối các điểm đến tốt, dịch vụ lưu trú phát triển mạnh và chú trọng vào phân khúc khách sang. Đây là một trong những điều kiện cần để du lịch phát triển.” Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ lữ hành (Tổng cục du lịch) cho hay.
Quả thật, trong 2 năm trở lại đây, Phú Yên đã có sự lột xác mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, từ đường không cho đến đường bộ. Sân bay Tuy Hòa được nâng cấp mở rộng thành Cảng hàng không Quốc tế được xem là đòn bẩy để Phú Yên phát triển về kinh tế, thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó, cùng với việc thông hầm Đèo Cả (08/2017) nối liền Nha Trang – Khánh Hòa; tháng 01/2019, Phú Yên đã chính thức thông hầm Đèo Cù Mông nối liền Quy Nhơn – Bình Định. Điều này đã giúp phá bỏ thế “ốc đảo” của tỉnh Phú Yên. Từ đó liên thông thuận lợi hai hướng Bắc – Nam, tăng cường liên kết vùng & làm xóa nhòa ranh giới giữa ba cụm đô thị phát triển: Quy Nhơn – Tuy Hòa – Nha Trang.
“Những con sếu đầu đàn” đã về làm tổ
Trong năm 2019, có 42 dự án được cấp vốn đầu tư tại Phú Yên với tổng số vốn là 19.164 tỷ đồng. Trong số các nhà đầu tư vào Phú Yên, không khó để gọi tên những “con sếu đầu đàn” – các doanh nghiệp tiên phong, được kỳ vọng sẽ tạo nên hiệu ứng lan tỏa thu hút đầu tư cho tỉnh như Tập đoàn Vingroup, TH, Vietjet, FLC, VinaCapital, Apec Group…
Được biết, các dự án đầu tư vào Phú Yên tập trung vào 3 lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh: du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng; công nghiệp gắn với Khu kinh tế Nam Phú Yên; và thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao. Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, những dự án lớn từ các “con sếu đầu đàn” đã và đang tạo động lực, sức hút cho các dự án vệ tinh khác đổ về Phú Yên, giúp địa phương phát triển bền vững.
Tâm điểm du lịch mới của miền Trung Việt Nam
Sở hữu tới 22 địa danh hấp dẫn và ngoạn mục, sức hút du lịch của Phú Yên là điều không thể bàn cãi. Song, phải chờ tới cuối 2015, sau thành công từ bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ, vùng đất này mới thật sự được nhiều du khách biết đến. Kể từ đó, các chỉ số về du lịch Phú Yên không ngừng tăng trưởng mạnh mẽ. Dự kiến trong 2020, tỉnh sẽ đón hơn 2 triệu lượt khách.
Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng du khách tỷ lệ thuận với sự phát triển của ngành dịch vụ lưu trú tại Phú Yên. Năm 2018, cả tỉnh có 146 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, tuy nhiên chỉ có 12 khách sạn 3 – 5 sao và 4 khách sạn 2 sao, còn lại thuộc diện kinh doanh nhỏ lẻ (homestay, nhà nghỉ, biệt thự). Sang đến 2019, đã có sự xuất hiện của các resort đẳng cấp như Rosa Alba Resort, Stelia Beach Resort; cùng những dự án tổ hợp khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng đang & sắp được triển khai như Apec Mandala Wyndham Phú Yên, Thera Premium Phú Yên, tổ hợp biệt thự sinh thái & resort của tập đoàn TH True Milk…